Nhờ đặc tính dễ trồng, khả năng tiêu thụ cao, chuối trở thành mặt hàng xuất khẩu tiềm năng trên nhiều nước, kể cả Việt Nam. Trong thời gian tới, chuối xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội tiềm năng tại các thị trường lớn khác. Ngay bây giờ hãy cùng VNT Logistics tìm hiểu về những cơ hội xuất khẩu của chuối Việt Nam nhé!
EU có điều kiện khí hậu mát lạnh hơn nên cần nhập khẩu khá nhiều các loại rau quả nhiệt đới, trong đó có mặt hàng chuối. Đặc biệt, theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi của Việt Nam được hưởng thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/7/2020, theo thông tin từ báo chính phủ). Tính tới cuối tháng 1-2021, Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng chuối (mã HS 0803) lớn thứ 55 cho EU. Trong khi giá nhập khẩu bình quân chuối từ các thị trường chính vào EU đều giảm thì giá nhập khẩu chuối bình quân từ Việt Nam tăng mạnh và ở mức rất cao, đạt 3.192,9 euro/tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trước xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay, cùng với những lợi thế từ các FTA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, mở đường cho việc thiết lập chuỗi cung ứng mới với EU, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thị trường trái cây nhập khẩu của Nhật Bản chủ yếu là chuối, trên 1 triệu tấn/năm, việc nhập khẩu chênh lệch như vậy là do sự khác nhau về thời tiết cũng như mùa vụ. Đây là một trong những lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh việc nhập khẩu chuối vào thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt – Nhật (VJEPA) được triển khai đồng bộ từ năm 2010 đến nay. Nhật Bản đã giảm thuế mạnh mẽ nhiều mặt hàng nông sản tại Việt Nam. Trong cơ cấu nguồn cung cấp trái chuối cho Nhật Bản tính đến hết tháng 10 năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp trái chuối lớn thứ 5 cho Nhật Bản, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng rất mạnh, mặc dù giá nhập khẩu bình quân giảm mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,6% trong tổng lượng nhập khẩu trái chuối của Nhật Bản, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, việc thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản – quốc gia có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhập khẩu, trái chuối sẽ có cơ hội thâm nhập được nhiều quốc gia khác.
Chuối là loại trái cây ưa chuộng tại Hàn Quốc, tuy nhiên chuối là sản phẩm Hàn Quốc phải nhập khẩu gần như 100% do điều kiện canh tác không thuận lợi. Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 6 cho Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 2,9 nghìn tấn, trị giá 2,3 triệu USD, tăng 13,6% về lượng, tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam có nhiều lợi thế tăng thị phần tại thị trường Hàn Quốc, do có ưu thế thuế quan nhập khẩu thấp nhờ được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).
Bên cạnh đó, trong Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều hoạt động. Cụ thể, trong số các nhóm dự án chủ yếu để thực hiện Đề án nêu trên, trong giai đoạn từ 2021 – 2023, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư khoảng 15 tỉ đồng, cùng với nguồn vốn xã hội hóa khoảng 785 tỉ đồng, để đầu tư xây dựng kho ngoại quan dự trữ, bảo quản nông sản và các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu ở khu vực cửa khẩu phía Bắc (gồm các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn). Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xây dựng các kho dự trữ, chế biến và bảo quản nông sản nhằm chủ động thị trường và giá nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hạn chế tình trạng bị ép giá, ép cấp nông sản. Từ đó, tạo bước đột phá, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
VNT Logistics vừa gửi đến quý doanh nghiệp những cơ hội đối với ngành xuất khẩu chuối Việt Nam bằng việc tận dụng hiệu quả những hiệp định thương mại tự do và những lợi thế của Việt Nam. Nếu quan tâm đến mặt hàng nào khác của Việt Nam, hãy để lại bình luận để có thể nhận được những thông tin mới nhất từ chúng tôi nhé.