A: BÊN SỬ DỤNG DỊCH VỤ
B: BÊN CUNG CẤP DỊCH VỤ (VNT LOGISTICS)
ĐIỀU 1: CÁC ĐỊNH NGHĨA
1. “Hàng hóa” là bất cứ tài sản nào (trừ bất động sản) kể cả công-te-nơ, cao bản hoặc các công cụ vận chuyển, đóng gói tương tự khác mà không thuộc loại hàng cấm theo pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ nơi hàng hóa được xuất, nhập khẩu.
2. “Người nhận hàng” là tổ chức, cá nhân được quyền nhận hàng hóa từ người kinh doanh vận tải.
3. “Tiếp nhận hàng” là việc hàng hóa đã thực sự được giao cho Bên B từ Bên A hoặc từ người được Bên A ủy quyền và Bên B tiếp nhận để vận chuyển.
4. “Giao trả hàng” là một trong các trường hợp sau đây:
a) Việc giao trả hàng hóa cho người nhận hàng;
b) Hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người nhận hàng phù hợp với quy định của hợp đồng vận tải đa phương thức hoặc quy định của pháp luật hoặc tập quán thương mại áp dụng tại nơi giao trả hàng;
c) Việc giao hàng hóa cho một nhà chức trách hoặc một bên thứ ba khác mà theo quy định của pháp luật áp dụng tại nơi giao trả hàng thì hàng hóa phải được giao như vậy.
5. “Phí Nội Địa” là các khoản phí Người Vận Chuyển thu ngoài tiền cước vận tải, bao gồm nhưng không giới hạn ở: phí chứng từ, phí vệ sinh container, phí CFS, THC…
6. “Ẩn tỳ” là những khuyết tật của hàng hóa, nếu chỉ kiểm tra bên ngoài hàng hóa một cách thông thường thì không thể phát hiện được
7. “SDR” là đơn vị tính toán do Quỹ Tiền tệ quốc tế quy định. Tỷ giá của SDR đối với đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên cơ sở tỷ giá hối đoái mà Quỹ tiền tệ quốc tế tính toán và công bố hàng ngày.
8. Việc giao trả hàng bị coi là chậm khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Hàng hóa không được giao trả trong thời hạn đã được thỏa thuận trong hợp đồng; trường hợp không có sự thỏa thuận trong hợp đồng mà hàng hóa không được giao trả trong thời gian hợp lý đòi hỏi trong khi Bên B đã làm hết khả năng của mình để có thể giao trả hàng, có xét đến hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể.
9. Hàng hóa bị coi là mất nếu chưa được giao trả trong vòng 90 ngày (kể cả ngày kể và ngày nghỉ) tiếp sau ngày giao trả hàng đã được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thời gian hợp lý, trừ trường hợp Bên B có bằng chứng chứng minh ngược lại.
ĐIỀU 2: PHÍ DỊCH VỤ
1. Phí dịch vụ (đã bao gồm thuế VAT; không bao gồm chi phí về bao bì, vật liệu chèn lót, chằng buộc hàng hóa): Theo thỏa thuận tại mỗi Đơn hàng.
2. Phí chi hộ
Bên A đồng ý thanh toán cho Bên B tất cả các khoản chi phí mà Bên B đã trả thay cho Bên A bao gồm nhưng không giới hạn ở các chi phí sau: phí nội địa của Người Vận Chuyển, phí lưu công-ten-nơ, lưu kho, lưu bãi, thuế và các khoản phí, phụ phí vận tải khác thực tế phát sinh. Khoản tiền tối đa mà Bên B đồng ý chi hộ cho bên A là: ……….. đồng (hoặc theo thỏa thuận cho từng lô hàng cụ thể).
3. Phí dịch vụ cộng thêm
Trong trường hợp Bên A yêu cầu Bên B cung cấp thêm những dịch vụ khác ngoài dịch vụ vận chuyển, Bên A có nghĩa vụ thanh toán cho Bên B các loại phí dịch vụ cộng thêm.
4. Trường hợp giao dịch thường xuyên
(a) Cước phí vận chuyển: theo từng lô hàng cụ thể, báo giá có thể qua email,fax hoặc báo giá qua điện thoại,hay các ứng dụng khác
(b) Bên A coi như chấp thuận báo phí của Bên B nếu Bên A gửi thông báo về việc chấp thuận đó bằng văn bản hoặc bằng thư điện tử, hoặc chỉ thị, yêu cầu bên B thực hiện dịch vụ, hoặc để cho bên B thực hiện dịch vụ.
ĐIỀU 3: THANH TOÁN
1. Thời hạn thanh toán
– Tạm ứng: Bên A sẽ tạm ứng cho Bên B trước mỗi chuyến hàng số tiền là ….. đồng tương ứng với …..…% phí dịch vụ trước …. ngày kể từ ngày ký hợp đồng (hoặc ngày có Đơn hàng).
– Bên A phải thanh toán cho Bên B sau khi Bên B giao hàng và không quá 15 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn cho mỗi lô hàng.
– Tại bất cứ thời điểm nào, nếu tổng số tiền Bên A phải thanh toán cho Bên B từ 250.000.000 đồng trở lên thì Bên A phải thanh toán cho Bên B tòa bộ số tiền đó trong thời hạn 3 ngày kể từ khi công nợ vượt mức.
2. Phương thức thanh toán:
(a) Đồng tiền thanh toán là tiền đồng Việt Nam. Các khoản chi phí, phí, cước phí phát sinh ở nước ngoài tính bằng ngoại tệ sẽ được quy đổi sang tiền đồng Việt Nam theo tỉ giá bán của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm phát hành hóa đơn VAT.
(b) Bên A thanh toán các khoản phí dịch vụ (nêu tại Điều 5) cho Bên B bằng tiền chuyển khoản với thông tin như sau.
– Người thụ hưởng: Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Ngoại Thương
– Tài khoản số: 097.100.123.6688 tại Ngân hàng TMCP ngoại thương (Vietcombank) – chi nhánh Nam Hà Nội
(c) Các loại phí chuyển tiền, phí ngân hàng do Bên A chịu.
3. Hồ sơ thanh toán gồm:
– Đề nghị thanh toán.
– Chứng từ về cước tiền cước, local charges, thuế.
– Hóa đơn VAT
– Biên bản bàn giao hàng.
4. Vi phạm thời hạn thanh toán
– Trường hợp Bên A vi phạm về thời hạn thanh toán thì Bên A phải chịu với lãi suất trên số tiền chậm thanh toán bằng 150% lãi suất Huy động vốn kỳ hạn 12 tháng (VNĐ) của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm chậm thanh toán.
– Ngoài ra, Bên B có quyền lưu giữ Hàng hóa và thông báo bằng văn bản cho Bên A. Mọi chi phí phát sinh do việc cầm giữ hàng sẽ do bên A gánh chịu. Sau 60 ngày kể từ ngày thông báo mà Bên B vẫn không được thanh toán đầy đủ các khoản tiền nói trên thì Bên B có quyền ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá Hàng hóa đang lưu giữ để thu hồi nợ và các chi phí phát sinh. Thời hạn mà lưu giữ hàng hóa nói trên không được gộp lại để tính thời gian trao trả hàng chậm.
ĐIỀU 4: CÁC QUI ƯỚC VỀ GIAO NHẬN, VẬN CHUYỂN
1. Bên A phải có nghĩa vụ thông báo cho Bên B các thông tin về Hàng Hóa và Dịch vụ qui định tại Điều 2 Hợp Đồng này ít nhất 01 ngày trước ngày tiếp nhận hàng. Địa điểm tiếp nhận, giao hàng phải là nơi mà phương tiện vận tải của Bên B có thể vào ra thuận tiện, an toàn.
2. Bên B có trách nhiệm chuẩn bị phương tiện, thiết bị, nhân lực sẵn sàng theo yêu cầu của Bên A để thực hiện dịch vụ. Bên A phải trả cho bên B các chi phí phát sinh nếu Bên A hủy bỏ yêu cầu dịch vụ hoặc không giao/nhận hàng xong trong khoảng thời gian cho phép được xác định tại báo giá của Bên B trước khi tiếp nhận hàng.
3. Hai bên thỏa thuận giao nhận Hàng Hóa theo phương thức nguyên đai nguyên kiện hoặc nguyên container. Bên B chỉ được mở ra theo yêu cầu của Bên A hay cơ quan có thẩm quyền. Bên B hoàn thành trách nhiệm vận chuyển khi giao hàng nguyên đai nguyên kiện, nguyên container hoặc giao hàng đã được mở ra theo yêu cầu của Bên A hay cơ quan có thẩm quyền.
4. Hai Bên phải chủ động thông báo cho nhau biết tiến độ thực hiện Hợp Đồng.
5. Khi chứng từ vận tải đã được phát hành dưới dạng chuyển nhượng được, tùy theo hình thức chứng từ, việc giao trả hàng quy định như sau:
a) Chứng từ ở hình thức “Xuất trình” thì hàng hóa được giao trả cho người xuất trình một bản gốc của chứng từ đó;
b) Chứng từ ở hình thức “Theo lệnh” thì hàng hóa được giao trả cho người xuất trình một bản gốc của chứng từ đó đã được ký hậu một cách phù hợp;
c) Chứng từ ở hình thức “Theo lệnh của người có tên trong chứng từ gốc” thì hàng hóa được giao trả cho người chứng minh được mình là người có tên trong chứng từ và xuất trình một bản chứng từ gốc. Nếu chứng từ đó đã được chuyển đổi sang hình thức “Theo lệnh” thì hàng hóa được giao trả theo quy định tại điểm b khoản này.
6. Khi chứng từ vận tải đã được phát hành dưới dạng không chuyển nhượng được thì hàng hóa được giao trả cho người có tên là người nhận hàng trong chứng từ, khi người đó chứng minh được mình là người nhận hàng có tên trong chứng từ.
7. Khi hợp đồng vận tải quy định không phát hành chứng từ thì hàng hóa được giao trả cho một người theo chỉ định của Bên A hoặc của người nhận hàng theo quy định của hợp đồng vận tải.
8. Sau khi Bên B đã giao trả hàng cho người xuất trình một bản gốc chứng từ vận tải thì các bản gốc khác của chứng từ không còn giá trị nhận hàng.
9. Nếu người nhận hàng không đến nhận hàng hoặc từ chối nhận hàng hoặc trì hoãn việc dỡ hàng quá thời hạn quy định của hợp đồng hoặc quy định của pháp luật, thì Bên B có quyền dỡ hàng, ký gửi vào nơi an toàn, xử lý và thông báo cho Bên A biết. Đối với hàng hóa mau hỏng, Bên B có quyền xử lý ngay. Mọi chi phí và tổn thất phát sinh do Bên A và người nhận hàng liên đới chịu trách nhiệm.
10. Sau 90 ngày tính từ ngày phải nhận hàng theo hợp đồng vận tải, nếu không có người đến nhận hàng ký gửi quy định tại khoản 9 Điều này thì Bên B hoặc người kinh doanh kho bãi có quyền bán đấu giá hàng hóa. Tiền bán đấu giá hàng hóa sau khi trừ chi phí hợp lý của các bên liên quan, số còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.
ĐIỀU 5: TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN A
1. Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các nghĩa vụ theo theo qui định tại vận đơn của Bên B và tại Hợp đồng này.
2. Thanh toán đầy đủ cước và các chi phí khác liên quan đến vận tải đa phương thức cho Bên B theo chứng từ vận tải đa phương thức.
3. Chịu trách nhiệm đóng gói Hàng hóa theo đúng quy cách, chủng loại, quy định pháp luật hiện hành và tập quán thương mại quốc tế, đảm bảo hàng hóa được đóng gói bền chắc, an toàn, không gây thiệt hại đối với con người và tài sản trong suốt quá trình vận chuyển và phù hợp với phương tiện vận chuyển. Nếu Bên A vi phạm nghĩa vụ đóng gói dẫn đến việc Hàng hóa gây ra thiệt hại đối với con người và tài sản, Bên A phải chịu trách nhiệm pháp lý về mọi tổn thất, thiệt hại do Hàng hóa gây ra.
4. Cung cấp cho Bên B chính xác thông tin về hàng hóa để ghi vào chứng từ vận tải và các giấy tờ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán.
Khi chuyển giao hàng nguy hiểm còn phải cung cấp các tài liệu và chỉ dẫn cần thiết về tính chất nguy hiểm của hàng hóa và những biện pháp đề phòng; Ghi ký hiệu, mã hiệu hoặc dán nhãn hiệu; Cử người áp tải, trong trường hợp bắt buộc phải có áp tải; Cung cấp thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc đặt cọc hoặc ký quỹ một khoản tiền để đảm bảo cho nghĩa vụ bồi thường đối với các tổn thất, thiệt hại do việc vận chuyển hàng hóa có tính chất nguy hiểm gây ra.
5. Mua bảo hiểm Hàng hóa.
6. Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất sứ hàng hóa, không giao hàng cấm.
7. Bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải của Bên B.
8. Thông báo cho Người nhận hàng phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện để nhận hàng khi nhận được thông báo của Bên B về việc hàng đã đến đích.
ĐIỀU 6: TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN B
1. Chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng các nội dung, yêu cầu theo qui định tại vận đơn của Bên B và tại Hợp Đồng này.
2. Mua bảo hiểm vận chuyển hàng hóa.
3. Chịu trách nhiệm về hàng hóa kể từ khi tiếp nhận hàng cho đến khi giao trả hàng cho người nhận hàng.
4. Chịu trách nhiệm về mọi hành vi và sai sót của người làm công hoặc đại lý của mình, khi họ đã hành động trong phạm vi được thuê, hoặc mọi hành vi và sai sót của bất cứ người nào khác mà Bên B sử dụng dịch vụ của họ để thực hiện hợp đồng vận tải.
5. Cam kết thực hiện hoặc tổ chức thực hiện tất cả các công việc cần thiết nhằm đảm bảo việc giao trả hàng cho người nhận hàng.
ĐIỀU 7: TRÁCH NHIỆM VỀ TỔN THẤT HÀNG HÓA
1. Do khai báo hàng hóa không đầy đủ hoặc cung cấp thông tin về hàng hóa không chính xác, không đầy đủ
– Bên A phải chịu trách nhiệm Do khai báo hàng hóa không đầy đủ hoặc cung cấp thông tin về hàng hóa không chính xác, không đầy đủ và bồi thường cho Bên B về các tổn thất gây ra ngay cả khi chứng từ vận tải đa phương thức đã được Bên A chuyển giao.
– Đối với hàng nguy hiểm: Bên A phải chịu trách nhiệm với Bên B về mọi thiệt hại do việc vận chuyển hàng hóa đó gây ra, kể cả việc Bên B phải dỡ hàng hóa xuống, tiêu hủy hoặc làm cho vô hại, tùy từng trường hợp cụ thể, nếu hàng hóa nguy hiểm trở thành mối đe dọa thực sự đến người và tài sản. Bên B không phải thanh toán tiền bồi thường.
2. Do mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng chậm
– Bên B phải chịu trách nhiệm nếu sự việc đó xảy ra trong thời hạn và phạm vi trách nhiệm quy định, trừ khi Bên B chứng minh được mình (người làm công, đại lý hoặc bất cứ người nào khác) đã thực hiện các biện pháp hợp lý trong khả năng cho phép của mình nhằm tránh hậu quả xấu xảy ra.
– Bên B phải chịu trách nhiệm thanh toán chi phí giám định, ngay cả khi người nhận hàng yêu cầu giám định, nếu không chứng minh được rằng hàng hóa bị mất mát, hư hỏng ngoài phạm vi trách nhiệm của mình. Trong các trường hợp khác người yêu cầu giám định phải thanh toán chi phí giám định.
– Bên B không chịu trách nhiệm và được coi là đã giao trả hàng hóa đủ và đúng như ghi trong chứng từ vận tải cho người nhận hàng, nếu người nhận hàng không thông báo bằng văn bản cho Bên B về các mất mát, hư hỏng hàng hóa chậm nhất là một ngày tính từ ngày nhận hàng. Trường hợp hàng hóa bị mất mát, hư hỏng không thể phát hiện từ bên ngoài, thì người nhận hàng phải thông báo bằng văn bản cho Bên B trong vòng 06 ngày (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ), sau ngày hàng hóa đã được giao trả cho người nhận hàng. Trường hợp hàng hóa đã được giám định theo yêu cầu của người nhận hàng hoặc Bên B trước khi giao trả hàng, thì không cần thông báo bằng văn bản.
– Bên B phải chịu trách nhiệm về tổn thất tiếp theo do giao trả hàng chậm, khi người gửi hàng đã có văn bản yêu cầu giao trả hàng đúng hạn và văn bản đó đã được Bên B chấp nhận.
– Bên B được Miễn trừ trách nhiệm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Nguyên nhân bất khả kháng;
+ Hành vi hoặc sự chểnh mảng của người gửi hàng, người nhận hàng, người được người gửi hàng, người nhận hàng ủy quyền hoặc đại lý của họ.
+ Đóng gói, ghi ký hiệu, mã hiệu, đánh số hàng hóa không đúng quy cách hoặc không phù hợp.
+ Giao nhận, xếp dỡ, chất xếp hàng hóa dưới hầm tàu do người gửi hàng, người nhận hàng, người được người gửi hàng, người nhận hàng ủy quyền hoặc người đại lý thực hiện.
+ Ẩn tỳ hoặc tính chất tự nhiên vốn có của hàng hóa.
+ Đình công, bế xưởng, bị ngăn chặn sử dụng một bộ phận hoặc toàn bộ nhân công.
+ Trường hợp hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, hoặc đường thủy nội địa, khi mất mát, hư hỏng hoặc chậm trễ xảy ra trong quá trình vận chuyển do: Hành vi, sự chểnh mảng hoặc lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên, hoa tiêu hoặc người làm công cho người vận chuyển trong điều hành hoặc quản trị tàu. Cháy, trừ khi gây ra bởi hành vi cố ý thực hiện hoặc thông đồng thực hiện của người vận chuyển.
+ Trường hợp mất mát, hư hỏng hàng hóa xảy ra trong quá trình vận chuyển nói tại khoản này do tàu không có đủ khả năng đi biển thì Bên B vẫn không phải chịu trách nhiệm nếu chứng minh được rằng khi bắt đầu hành trình tàu có đủ khả năng đi biển.
3. Cách tính tiền bồi thường
– Việc tính tiền bồi thường do mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được thực hiện trên cơ sở tham khảo giá trị của hàng hóa đó tại địa điểm và thời gian hàng hóa được giao trả cho người nhận hàng hoặc tại địa điểm và thời gian đáng lẽ hàng hóa được giao trả theo quy định của hợp đồng vận tải đa phương thức.
– Giá trị hàng hóa được xác định theo giá trao đổi hàng hóa hiện hành, nếu không có giá đó thì theo giá thị trường hiện hành; nếu không có giá trao đổi hoặc giá thị trường thì tham khảo giá trị trung bình của hàng hóa cùng loại và cùng chất lượng.
4. Giới hạn trách nhiệm của Bên B (Có thể ghi rằng: Nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của pháp luật)
– Bên B chỉ chịu trách nhiệm trong bất cứ trường hợp nào về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa với mức tối đa tương đương 666,67 SDR cho một kiện hoặc một đơn vị hoặc 2,00 SDR cho một ki-lô-gam trọng lượng cả bì của hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, tùy theo cách tính nào cao hơn, trừ khi tính chất và giá trị của hàng hóa đã được người gửi hàng kê khai trước khi hàng hóa được Bên B tiếp nhận để vận chuyển và đã được ghi trong chứng từ vận tải.
– Trường hợp trong một công-te-nơ, cao bản hoặc công cụ vận chuyển, đóng gói tương đương khác được xếp nhiều kiện, nhiều đơn vị mà các kiện hoặc các đơn vị đó được liệt kê trong chứng từ vận tải thì sẽ được coi là các kiện hoặc các đơn vị. Trong những trường hợp khác, công-te-nơ, cao bản hoặc công cụ vận chuyển, đóng gói tương đương khác đó phải được coi là kiện hoặc đơn vị.
– Trong hợp đồng vận tải không bao gồm việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển hoặc đường thủy nội địa, thì trách nhiệm của Bên B được giới hạn bởi số tiền không vượt quá 8,33 SDR cho một ki-lô-gam trọng lượng cả bì của hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng.
– Trường hợp mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa xảy ra trong một công đoạn cụ thể của vận tải đa phương thức, mà ở công đoạn đó điều ước quốc tế hoặc pháp luật quốc gia có quy định một giới hạn trách nhiệm khác, nếu hợp đồng vận tải được ký riêng cho công đoạn đó thì giới hạn trách nhiệm của Bên B đối với mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa sẽ được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc của pháp luật quốc gia đó.
– Nếu Bên B phải chịu trách nhiệm về tổn thất do việc giao trả hàng chậm hoặc tổn thất tiếp theo do giao trả hàng chậm mà không phải là mất mát hoặc hư hỏng đối với chính hàng hóa đó, thì trách nhiệm của Bên B được giới hạn trong số tiền không vượt quá số tiền tương đương với tiền cước vận chuyển theo hợp đồng vận tải.
– Toàn bộ trách nhiệm của Bên B sẽ không vượt quá giới hạn trách nhiệm đối với tổn thất toàn bộ hàng hóa.
– Bên B không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm bồi thường, nếu người có quyền lợi liên quan chứng minh được sự mất mát, hư hỏng hoặc giao trả hàng hóa chậm là do Bên B đã hành động hoặc không hành động với chủ ý gây ra mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó hoặc đã hành động hoặc không hành động một cách liều lĩnh và biết rằng sự mất mát, hư hỏng, chậm trễ đó chắc chắn sẽ xảy ra.
ĐIỀU 8: KHIẾU NẠI, KHỞI KIỆN
1. Thời hạn khiếu nại là 90 ngày, kể từ khi hàng hóa được giao trả xong cho người nhận hàng hoặc sau ngày đáng lẽ hàng hóa được giao trả theo quy định trong hợp đồng vận tải.
2. Thời hiệu khởi kiện là 09 tháng, kể từ khi hàng hóa được giao trả xong cho người nhận hàng hoặc sau ngày đáng lẽ hàng hóa được giao trả theo quy định trong hợp đồng vận tải đa.
ĐIỀU 9: BẤT KHẢ KHÁNG
Bất khả kháng là những trường hợp xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
1. Trong trường hợp một trong Các Bên vi phạm Hợp Đồng do sự kiện Bất Khả Kháng, bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nếu bên vi phạm đã:
(a) Tiến hành các biện pháp ngăn ngừa hợp lý và các biện pháp thay thế cần thiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng do sự kiện bất khả kháng gây ra;
(b) Thông báo về sự kiện bất khả kháng và gửi kèm theo các bằng chứng xác nhận về sự kiện bất khả kháng ngay cho Bên kia trong vòng 07 (bảy) ngày kể từ ngày sự kiện bất khả kháng xảy ra hoặc từ ngày biết được sự kiện bất khả kháng.
2. Trong trường hợp một trong Các Bên không thể thực hiện được các nghĩa vụ của mình theo Hợp Đồng do sự kiện Bất Khả Kháng, thời gian thực hiện các nghĩa vụ theo Hợp Đồng sẽ được kéo dài tối thiểu bằng thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng.
3. Khi sự kiện bất khả kháng chấm dứt, Bên vi phạm Hợp đồng phải thông báo ngay cho bên bị vi phạm biết. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.
ĐIỀU 10: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Trong trường hợp có vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng, các Bên nỗ lực, chủ động bàn bạc và thương lượng trên tinh thần hợp tác để giải quyết phù hợp với luật pháp Việt Nam và các qui định, điều luật của Hiệp hội Vận Tải Quốc tế với điều kiện là tất cả các khoản cước phí vận chuyển hàng hóa đều đã được Bên A thanh toán. Trường hợp không đạt được thỏa thuận, hai Bên thống nhất việc giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện tại TAND có thẩm quyền của Việt Nam nơi Bên B có trụ sở chính, theo pháp luật Việt Nam.